Tổng quan ngành giấy và bột giấy Việt Nam những tháng đầu năm – Dự đoán tình hình sản xuất nửa cuối 2023

Thị Trường
Đăng bởi Quản trị lúc 09:36, July 13, 2023

Ngành giấy và bột giấy của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 đang gặp khó khăn do sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tình hình khó khăn hiện tại buộc ngành phải có những hành động vực dậy và phục hồi trong những tháng cuối năm.

I. Tổng quan ngành giấy và bột giấy nửa đầu 2023

1. Nguyên liệu sản xuất giấy

a. Nguyên liệu 1: Bột giấy

Ngành sản xuất giấy và bột giấy hiện nay của Việt Nam còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung bột giấy nhập khẩu. Lượng bột giấy sản xuất được trong nước hiện nay còn khá hạn chế, chưa đủ đáp ứng nguồn cung. Theo báo cáo của VIRAC, sản lượng của các doanh nghiệp bột giấy nội địa, chủ yếu sản xuất bột tẩy trắng từ gỗ cứng, mới chỉ đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu sử dụng bột giấy để sản xuất giấy trong nước. 65% còn lại phải phụ thuộc vào nguồn cung bột giấy nhập khẩu, chủ yếu đến từ thị trường Bắc Mỹ và Mỹ Latin.

Cơ cấu nguồn cung cấp bột giấy cho sản xuất giấy trong nước

Theo báo cáo của VIRAC, tính chung trong quý 1 năm 2023, sản lượng sản xuất bột giấy ước đạt khoảng 42 nghìn tấn, tăng khoảng hơn 5% so với cùng kỳ. Lí do được cho rằng bởi nhu cầu từ các nhà máy sản xuất giấy trong quý I này đã hồi phục trở lại và tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai là do các nhà máy không còn rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động như năm 2021- 2022, công suất hoạt động đang được vận hành trở lại ở mức tối ưu. Ngoài ra, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho ngành giấy và bột giấy cũng đang được khôi phục trở lại nhờ logistics tăng trưởng và chính sách mở cửa từ các nước sau COVID.

Sản lượng sản xuất bột giấy hóa học của Việt Nam

Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo của VIRAC, sản lượng nhập khẩu bột giấy của Việt Nam Q1/2023 ước đạt khoảng 78 nghìn tấn, tăng khoảng 5.5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nhập khẩu bột giấy hóa học của Việt Nam

Có thể thấy, tình hình hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu bột gỗ rất nhiều, ảnh hưởng tới chi phí nguyên liệu cho sản xuất ngành gỗ tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta vẫn có lượng nguyên liệu dăm, mảnh gỗ (nguyên liệu chính sản xuất ra bột giấy) với khối lượng lớn nhưng lại không sử dụng được tối đa trong nội địa mà vẫn phải tốn chi phí nhập khẩu. Trả lời cho vấn đề này, chuyên gia và các lãnh đạo trong ngành giấy và bột giấy đã đưa ra giải thích:

  • Đầu tiên, việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đang gặp vấn đề lớn. Nguồn cung nhỏ lẻ hiện nay cũng gây khó khăn trong việc tiếp cận. Mặc dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 15 triệu tấn dăm gỗ nhưng nguồn cung lại được phân bố rải rác, mang tính tự phát, không có vùng nguyên liệu có quy mô đủ lớn để xây dựng được nhà máy sản xuất bột giấy. Để có được nhà máy đặt tại vùng nguyên liệu lớn và ổn định, doanh nghiệp cần được sở hữu rừng cho việc sản xuất giấy.
  • Thứ hai là vấn đề khó khăn về vốn. Việc xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy sẽ đòi hỏi số vốn vô cùng lớn với thời gian thu hồi vốn lâu.
  • Vấn đề thứ ba là về cơ chế chính sách của nhà nước. Hiện nay Nhà nước chưa có cơ chế chính sách để phát triển những vùng nguyên liệu lớn. Hiện nay, các lâm trường quốc doanh đang thực hiện giao đất cho từng hộ dân. Vì thế, để thỏa thuận được nguồn nguyên liệu với từng cá nhân, từng hộ gia đình là rất khó, dù đã có doanh nghiệp thử triển khai.

b. Nguyên liệu 2: Giấy thu hồi

Bên cạnh bột giấy, giấy thu hồi cũng là một nguồn nguyên liệu không thể thiếu của nền công nghiệp sản xuất ngành giấy và bột giấy ở những nước phát triển và nước công nghiệp hóa. Đây là nguồn nguyên liệu sợi thứ hai của công nghiệp giấy, loại nguyên liệu này không đi từ cây rừng mà được thu gom từ các nguồn giấy đã qua sử dụng. Giấy thu hồi có ý nghĩa thực tiễn rất cao, đặc biệt đối với những nước đông dân và có nhu cầu sử dụng giấy cao.

Sản lượng nhập khẩu giấy thu hồi của Việt Nam, 2019 – Q1/2023

Theo báo cáo của VIRAC, trong quý 1 năm 2023, sản lượng nhập khẩu giấy thu hồi của Việt Nam ước đạt khoảng 1 (1.05) triệu tấn. Trong đó, Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản là những đối tác nhập khẩu giấy thu hồi quan trọng của Việt Nam, với tỷ trọng nhập khẩu đến từ các thị trường này chiếm khoảng 75%.

2. Tình hình sản xuất giấy những tháng đầu năm

Theo VIRAC, sản lượng sản xuất giấy của Việt Nam trong quý 1 năm 2023 ước đạt khoảng 1.4 (1.38) triệu tấn, giảm nhẹ 0.01% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản lượng sản xuất giấy của Việt Nam 2020 – 2023

Tuy nhiên sang đến tháng 4, tình hình sản xuất bị giảm sút mạnh khiến tổng lượng sản xuất giấy trong 4 tháng đầu năm các loại giảm đến hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tiêu thụ giấy của Việt Nam, 2020 – 2023

Theo báo cáo của VIRAC, trong quý 1 năm 2023, sản lượng tiêu thụ giấy tại Việt Nam ước đạt 1.2 triệu tấn, giảm khoảng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giấy bao bì được xem là động lực tăng trưởng chính của ngành giấy. Tuy nhiên, trong quý I/2023, sản lượng tiêu thụ giấy bao bì ước đạt khoảng 900 nghìn tấn, giảm khoảng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Có thể thấy từ những số liệu trên, 2023 là một năm khó khăn của doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy dưới tác động của tình trạng cung vượt xa cầu, nhu cầu tiêu thụ suy giảm mạnh.

Trên thực tế, ngành giấy hiện đang là ngành chính phụ trợ cho việc sản xuất của hầu hết các lĩnh vực nên vừa qua khi các ngành sản xuất bị suy giảm cũng đã kéo theo sự sụt giảm trong tiêu thụ giấy. Có đến khoảng 90% sản lượng ngành giấy sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp. Suốt thời gian từ tháng 9/2022 tới nay, các doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm.

Theo báo cáo tổng hợp, việc thị trường tiêu thụ gặp khó khăn cũng ảnh hưởng mạnh đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành giấy. Lấy ví dụ như tại Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre, doanh thu quý 1/2023 đạt 848,4 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2022. Hay Công ty CP tập đoàn HAPACO cũng ghi nhận doanh thu trong quý 1 đạt 74,5 tỷ đồng, giảm mạnh 45,2% so với cùng kỳ năm 2022. Còn Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ, quý 1/2023, doanh thu đạt 255,8 tỷ đồng, cũng giảm tới 34,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tiêu thụ của ngành giấy và bột giấy đang bị chậm lại, trong khi đó công suất lại dư thừa đã và đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Kim ngạch xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy

Tất cả các sản phẩm giấy như giấy in, giấy viết, giấy bao bì không tráng, giấy tissue, giấy vàng mã đều có sản lượng xuất khẩu tăng trong 3 tháng đầu năm nay. Điều này đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy trong quý 1 đạt mức tăng trưởng 12.3% so với cùng kỳ 2022..

Tuy nhiên, sang tháng 4, kim ngạch xuất khẩu bất ngờ tụt giảm mạnh, tổng xuất khẩu giấy các loại giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giấy bao bì giảm tới 19,6%.  Nhu cầu tiêu thụ giảm, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì việc sản xuất và chấp nhận tăng tồn kho để giữ công nhân. Tình hình này được dự báo còn kéo dài đến hết năm 2023 và có thể lâu hơn.

II. Dự báo tình hình ngành giấy và bột giấy nửa cuối 2023

Năm 2023 này đang được dự đoán là một năm khó khăn của doanh nghiệp ngành giấy dưới tác động của cung vượt xa cầu trong khi nhu cầu tiêu thụ đang suy giảm mạnh.

1. Ngành giấy và bột giấy đứng trước nhiều thách thức trong giai đoạn đầu năm 2023 

Ngành giấy đang đứng trước nhiều thách thức trong năm 2023 khi trong giai đoạn cuối năm 2022 một số doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp giấy cũng đang gặp rào cản, do hầu hết nguồn nguyên liệu mua được từ người gom ve chai nên vì thế khó để chứng minh xuất xứ hàng hóa… Từ đây, chi phí sẽ bị ảnh hưởng. Đây cũng là một rào cản lớn cho các doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy trong việc kiểm soát hiệu quả kế hoạch tài chính của công ty.

Bên cạnh đó, tình trạng nhập khẩu nguyên liệu bột giấy hóa học đầu vào dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn trước những biến động mạnh của tỷ giá; tình trạng thiếu container, cước vận chuyển và một số chi phí khác như chi phí nhiên liệu, năng lượng, vật tư, hóa chất đang ở mức cao dự kiến cũng sẽ tác động tiêu cực lên giá cả sản phẩm.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy (VPPA), ngành giấy còn đang gặp những khó khăn lớn là tình trạng xuất khẩu giảm nhưng nhà máy vẫn phải duy trì hoạt động để giữ chân công nhân. Đây là tình trạng dư thừa nguồn lao động gây lãng phí chi phí cho mỗi doanh nghiệp trong ngành giấy và bột giấy.

Dự kiến, tình trạng khó khăn của ngành giấy sẽ kéo dài đến cuối năm nay và có thể lâu hơn bởi tình hình kinh tế thế giới đang trong trạng thái suy thoái, sức cầu giảm. Cơ hội phục hồi chỉ đến khi các ngành sản xuất bắt đầu khôi phục đơn hàng, doanh nghiệp giấy mới có cơ hội vực dậy, “vượt đáy”.

2. Dự báo về tình hình tiêu thụ và xuất khẩu giấy bao bì

Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ giấy bao bì trong nước & xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng trưởng trong tương lai được dự đoán sẽ thấp hơn so với năm 2022 do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro biến động khó lường có thể diễn ra.

  • Các ngành hàng sử dụng nhiều giấy bao bì như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến (dệt may; giày dép; đồ gỗ; điện thoại các loại và linh kiện; v.v.) dự kiến tăng trưởng xuất khẩu ở mức thấp trong năm 2023 do ảnh hưởng của lạm phát tại các thị trường xuất khẩu.
  • Sản lượng xuất khẩu giấy bao bì vào thị trường chủ lực của Việt Nam hiện nay đang là thị trường Trung Quốc. Năm 2023 thì lại có triển vọng tăng trưởng cao hơn năm 2022 do nhu cầu giấy bao bì của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
  • Trong dài hạn, tiêu dùng ngành giấy bao bì trên thế giới và khu vực Châu Á dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ. Việc hạn chế rác thải nhựa trên thế giới đang dần phổ biến, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn trong giai đoạn 2022 – 2025 bởi xu hướng bền vững, hướng tới môi trường,  sử dụng bao bì giấy thay thế rác thải nhựa và túi nilon đang phát triển ở mọi lứa tuổi đặc biệt là người trẻ.

Nguồn: rippi.com.vn