Sản xuất tuần hoàn cho tương lai bền vững

Thị Trường
Đăng bởi Quản trị lúc 11:15, April 11, 2023

Mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành mục tiêu của DN. Tùy theo quy mô, mức độ và lĩnh vực hoạt động, mỗi DN đang có những cách tiếp cận riêng nhằm đóng góp cho mục tiêu chung là đưa phát thải ròng của Việt Nam về mức 0 vào năm 2050.

Nhiều DN trong ngành nhựa đang có sự chuyển dịch tích cực cả về công nghệ, quy trình sản xuất, tái chế Ảnh: S.T

Tạo vòng tuần hoàn thân thiện với môi trường

Ngành nhựa vốn được coi là ngành không thân thiện với môi trường do các hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xử lý rác thải nhựa đều tạo ra những tác động xấu tới môi trường. Nhưng trên thực tế, nhiều DN trong ngành này đang có sự chuyển dịch tích cực cả về công nghệ, quy trình sản xuất, tái chế nhằm biến ngành nhựa trở thành một ngành công nghiệp “xanh”.

Điển hình như Công ty Tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling – DTR) đã ghi được dấu ấn bằng việc tạo ra “vòng đời mới” cho các sản phẩm nhựa. Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững của DTR cho biết, nhà máy tái chế nhựa của DTR được xây dựng vào cuối năm 2019 tại Long An và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2020. Hiện mỗi năm nhà máy có thể thu gom, xử lý và tái chế 30.000 tấn nhựa PET, dự kiến sắp tới sẽ tăng gấp đôi công suất lên 60.000 tấn/năm. Với nhựa HDPE và nhựa PP, công suất hiện tại là 10.000 tấn/năm mỗi loại và dự kiến cũng sẽ nâng gấp 3 công suất lên 30.000 tấn/năm.

Điều đặc biệt là các sản phẩm nhựa tái chế của DTR đã đạt tiêu chuẩn để có thể sử dụng trong ngành thực phẩm với 15 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO, FDA, HACCP… Ông Lê Anh tiết lộ con số ấn tượng là trong năm 2022 DTR đã thu gom và tái chế được hơn 1,3 tỷ chai nhựa. Trong đó, có 4.000 tấn hạt nhựa tái chế đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ – thị trường khắt khe hàng đầu trên thế giới. Ngoài thị trường Mỹ, hạt nhựa tái chế của DTR cũng đã được xuất khẩu tới 12 thị trường khác. Hiện công ty đang là đối tác của nhiều nhãn hàng lớn như Lavie, Nestlé, Suntory Pepsico…

Tương tự DTR, Công ty Nam Thái Sơn cũng đã bắt tay vào sản xuất bao bì phân hủy sinh học từ nhiều năm nay. Thời gian đầu, sản phẩm này chưa nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, nên đầu ra của DN chủ yếu là qua kênh B2B cho các DN siêu thị. Nhưng gần đây, xu hướng thị trường đang dần thay đổi, mở ra cơ hội cho DN phát triển thêm kênh bán hàng B2C, phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc – DN chuyên về nội thất inox và nhựa cũng đã có nhiều sáng tạo trong quy trình sản xuất để tận dụng tối đa những nguyên vật liệu dư thừa, phể phẩm trong quá trình sản xuất. Ví dụ như khi sản xuất chiếc bàn tròn, tấm inox sẽ dư ra các tấm tam giác ở 4 góc. Thay vì bỏ những góc này đi hoặc bán phế liệu, Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc đã nghiên cứu cách tận dụng phần này để sản xuất ra những sản phẩm mới như kệ góc trong phòng tắm, họa tiết trang trí trên các sản phẩm kệ… và được thị trường đón nhận. Đối với sản phẩm nhựa, Qui Phúc cũng có quy trình sản xuất để các chất thải trong quá trình sản xuất không bị đưa trực tiếp ra ngoài môi trường.

Bà Văn Thị Thủy Tiên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc cho biết: “Nhiều người cho rằng việc áp dụng tiêu chí xanh trong các ngành sản xuất nội thất như của Qui Phúc là rất khó, nhưng thực tế Qui Phúc đã thực hiện từ rất lâu rồi. Đặc biệt, dù chỉ cần áp dụng ISO 9000 là Qui Phúc đã đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm, nhưng công ty vẫn áp dụng chứng nhận ISO 14000 và chuẩn bị được cấp chứng nhận này để đảm bảo các mục tiêu về môi trường xanh”.

Các bên cùng chung tay

Trên thực tế, bên cạnh Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2021, nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia cũng có những đòi hỏi khắt khe về môi trường, phát triển bền vững.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh những vấn nạn mà biến đổi khí hậu đã gây ra trong thời gian qua. Do đó, các quốc gia buộc phải quan tâm tới việc làm sao phát triển xanh hơn, thân thiện với môi trường và chung tay bảo vệ môi trường tốt hơn. Người tiêu dùng cũng nhận thức ngày một tốt hơn về điều này sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm thân thiện với môi trường và tẩy chay những sản phẩm gây hại cho môi trường.

“Bắt tay vào phát triển xanh, tăng trưởng xanh ngay lúc này không phải là sớm nhưng cũng chưa quá muộn. Thời gian qua, nhiều DN đã nhận thức sớm và có nhiều bước đi tiên phong hướng tới kinh tế xanh. Thực tế cũng đã chứng minh là những DN làm kinh tế xanh tốt sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, thuyết phục được người tiêu dùng nhiều hơn, tạo được niềm tin lớn cho người tiêu dùng. Trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay thì đó chính là lợi thế rất lớn của DN” – bà Phạm Chi Lan nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, thời gian gần đây, những câu hỏi mà Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận được nhiều nhất từ các hội viên là việc làm thế nào để có thể giảm phát thải ra môi trường và cách nào để có thể tham gia vào thị trường mua bán tín chỉ carbon. Điều này cho thấy ngày càng nhiều DN quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh.

Tuy nhiên, để biến những sự quan tâm này thành hiện thực là điều không hề đơn giản. Như tại DTR, dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song ông Lê Anh cũng thừa nhận, chi phí đầu tư ban đầu là khá cao. Bên cạnh đó, giá hạt nhựa tái chế hiện ở mức cao nên kém cạnh tranh hơn so với hạt nhựa thông thường. Nguyên nhân của việc này là do việc phân loại rác thải nhựa chưa tốt. Tại nhà máy DTR, lượng tạp chất chiếm tới 50% trong số rác thải nhựa được thu gom về. Ngoài ra, việc thiết kế bao bì hiện cũng chưa có quy chuẩn để “thân thiện” với hoạt động tái chế.

Theo đó, trong lúc chờ hoạt động phân loại rác thải nhựa có sự cải thiện tốt hơn cũng như có quy chuẩn cho chai nhựa để tái chế thuận lợi hơn, ông Lê Anh cho biết, DTR cũng đang tìm hiểu để áp dụng việc thực hiện chứng chỉ carbon nhằm có thêm nguồn thu mới. Qua đó giúp kéo giảm chi phí sản xuất và mang lại mức giá cạnh tranh hơn cho hạt nhựa tái chế.

Từ câu chuyện của DTR cho thấy, rất cần có thêm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp việc chuyển đổi xanh của DN được thuận lợi hơn. Ở góc độ Hội, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đang chuẩn bị một loạt chương trình tập huấn cho DN về các chính sách của Nhà nước và chính sách của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhằm tránh rủi ro hàng Việt Nam dù chất lượng tốt nhưng lại không được nhập khẩu vì các vấn đề về bao bì không thân thiện với môi trường. “Chúng tôi luôn nghiên cứu và cập nhật thường xuyên cho các DN, thậm chí hướng dẫn cho DN lựa chọn chất liệu, bao bì phù hợp với các thị trường xuất khẩu nhưng vẫn có giá cả hợp lý” – bà Hạnh chia sẻ.

Nguồn: haiquanonline