Nâng cấp “sao” để sản phẩm OCOP vươn xa

Thị Trường
Đăng bởi Quản trị lúc 09:43, July 13, 2023

Sao OCOP là đại lượng thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu. Để sản phẩm OCOP của địa phương vươn ra thị trường quốc tế, một trong những mục tiêu hướng tới trong thực hiện Chương trình OCOP của TP. Hà Nội là tăng cường nâng cao chất lượng để nâng cấp “sao” cho sản phẩm.

Nỗ lực vươn tầm thương hiệu Việt

Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của Hà Nội đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường, nhiều hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm được ký kết. Đặc biệt, với những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng không chỉ về mẫu mã, bao bì sản phẩm, đến nay nhiều sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội đã thực sự đem lại giá trị cũng như niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu được gắn “sao” của thành phố phải kể đến đó là sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc, có cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Chương Mỹ đạt tiêu chuẩn 4 sao, tiềm năng 5 sao.

Sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc đạt tiêu chuẩn 4 sao, tiềm năng 5 sao

Chia sẻ về quá trình phát triển cũng như nâng tầm chất lượng các sản phẩm, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng cho biết: với hơn 13 năm phát triển, Công ty tự hào là một doanh nghiệp khoa học công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu và sản xuất thành công đông trùng hạ thảo. Bắt đầu nghiên cứu đông trùng hạ thảo từ năm 2011, đồng thời, được lãnh đạo công ty bảo vệ thành công tại Hội đồng khoa học thành phố Hà Nội. Sau 2 năm tiếp tục nghiên cứu và phát triển, năm 2013, Công ty đã hoàn thiện quy trình công nghệ đưa vào nuôi trồng đông trùng hạ thảo với quy mô công nghiệp tại Lâm Đồng và Hà Nội. Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, các sản phẩm đông trùng hạ thảo Thiên Phúc đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành của cả nước và nhận được sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài nước.

Hiện, 5 sản phẩm của Công ty, trong đó: đông trùng hạ thảo nguyên con khô; đông trùng hạ thảo sấy đối lưu; đông trùng hạ thảo tươi; đông trùng hạ thảo nguyên con tươi đạt OCOP 4 sao và đông trùng hạ thảo sấy đông khô đạt tiềm năng 5 sao OCOP. Đây là một thành tựu đáng kể và là động lực để công ty tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công cuộc phát triển sản phẩm của mình.

Thời gian tới, để sản phẩm Công ty đạt sản phẩm OCOP 5 sao, Công ty đặt mục tiêu tăng năng suất sản xuất các sản phẩm chứng nhận OCOP bằng việc nâng cao công nghệ sản xuất, tối ưu hóa quy trình và đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiện đại. Công ty đề xuất mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu và thúc đẩy tiếp thị sản phẩm OCOP trên cả nước. Trong đó, chú trọng đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển để tìm hiểu và phát triển các sản phẩm mới, cải tiến công thức và khám phá các ứng dụng mới của dược liệu tự nhiên.

Với việc tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, Giám đốc Công ty Dược thảo Thiên Phúc chia sẻ: biết đến OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn, nhằm xác định, phát triển và quảng bá sản phẩm đặc trưng từng huyện, xã, thị trấn trong cả nước. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP thể hiện đặc điểm văn hóa, truyền thống và giá trị kinh tế đặc thù của địa phương.

Định hướng xuất khẩu các sản phẩm OCOP

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, thành phố Hà Nội đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm, vượt 118 sản phẩm so với Kế hoạch (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN – PTNT Nguyễn Minh Tiến cho biết: Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội đã được phát huy rất tốt, bảo đảm tính toàn diện, thể hiện qua việc số lượng, chất lượng sản phẩm đều được bảo đảm. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung – cầu giữa các doanh nghiệp, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, qua đó thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.

Để tiếp tục phát triển Chương trình OCOP năm 2023, đặc biệt nâng “sao” cho sản phẩm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đề xuất Hà Nội cần hỗ trợ các chủ thể khắc phục các vấn đề như bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ. Thành phố cũng cần định hướng xuất khẩu các sản phẩm OCOP trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phấn đấu số sản phẩm OCOP đạt 5 sao chiếm 3 – 5%. Sản phẩm OCOP cần được chuẩn hóa quy trình, bảo đảm tính ổn định; tránh tình trạng khi đem đi dự thi thì đạt chất lượng tốt nhưng nhân rộng sản xuất thì chất lượng lại không được bảo đảm ổn định. Lãnh đạo các ban, ngành của Hà Nội cũng cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cũng kiến nghị thành phố cần định hướng phát triển gian hàng OCOP Hà Nội đầu tiên tại thị trường quốc tế, cụ thể là châu Âu. Công tác gắn liền phát triển các sản phẩm OCOP với việc phát triển du lịch các làng nghề cũng cần được đẩy mạnh, phát huy triệt để, nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế không chỉ những sản phẩm đặc trưng của các địa phương mà còn có thể đem đến cho họ cái nhìn sâu hơn về quy trình sản xuất cũng như bối cảnh làm nên thương hiệu đặc biệt đó.

Chia sẻ với những góp ý của lãnh đạo Bộ NN – PTNT, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh: Hà Nội xác định đây là Chương trình có ý nghĩa quan trọng; phát triển sản phẩm OCOP để phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Phấn đấu 3 – 5% sản phẩm OCOP đạt 5 sao

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cũng cho rằng việc thực hiện Chương trình OCOP của thành phố còn một số hạn chế như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về thực hiện Chương trình OCOP còn một số hạn chế do công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân có nơi hiệu quả chưa cao; chủ thể chưa quan tâm đến việc đổi mới thiết kế bao bì nhãn mác, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chất lượng sản phẩm còn chưa đồng đều, thiếu tính cạnh tranh; việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa gặp nhiều khó khăn…

Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 148 ngày 24.2.2023 có điểm mới là: UBND cấp xã tổ chức đánh giá một số tiêu chí, nội dung về nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương. Đồng thời, việc đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao do UBND cấp huyện thực hiện. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của UBND cấp xã, huyện trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Để bảo đảm mục tiêu của thành phố phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận (năm 2021 và 2022 có 1.113 sản phẩm được công nhận đạt 56% kế hoạch), lãnh đạo ngành NN – PTNT đề nghị các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về Chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; ưu tiên xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững…; triển khai một số mô hình bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với Chương trình OCOP thành phố; tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường.

Đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP, cần tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Nguồn: dbndnghean.vn