Doanh nghiệp nhựa tìm cơ hội phát triển từ xuất khẩu

Thị Trường
Đăng bởi Quản trị lúc 14:22, March 02, 2023

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), các mặt hàng nhựa của Việt Nam có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt với khả năng cạnh tranh cao. Do đó, các doanh nghiệp nhựa trong nước đều đang tìm cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng khả năng phục hồi.

Dù còn đối mặt nhiều khó khăn song các doanh nghiệp ngành nhựa vẫn cố gắng tìm cơ hội để phát triển.

Lợi nhuận kém sáng

Trong năm 2022, xét báo cáo tài chính riêng lẻ của một số doanh nghiệp ngành nhựa cho thấy, kết quả kinh doanh có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp cùng ngành khi có doanh nghiệp tăng mạnh nhưng lại có doanh nghiệp đi lùi.

Lũy kế năm 2022, Công ty Cổ phần DNP Holding có lợi nhuận sau thuế tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2021, đạt 51,4 tỷ đồng. Để có được lợi nhuận tăng đột biến trong năm 2022, DNP Holding cho biết là nhờ tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí bán hàng và đóng góp từ hoạt động tài chính. Cũng tăng trưởng mạnh là Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế gấp 3,5 lần năm 2021, đạt gần 675 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong chỉ tăng rất nhẹ 2,2% so với năm trước, đạt gần 446 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, với Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings, lợi nhuận sau thuế đi lùi hơn 4% so với năm 2021, đạt hơn 67 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh có lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm rất mạnh (6 lần) so với năm 2021, chỉ đạt hơn 31 tỷ đồng…

Lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa trong năm 2021 có diễn biến như trên chủ yếu do tình hình kinh doanh trong nửa cuối năm đầy khó khăn, nhiều doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ nặng vào quý 4/2022. Theo giải trình của An Phát Holdings, trong quý 4, dù vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng giá hạt nhựa giảm, đồng thời Công ty phải trích lập dự phòng tồn kho để dự phòng biến động giá cả thị trường dẫn đến lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Tương tự, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong cũng cho biết, doanh thu bán hàng giảm mạnh là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.

Nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu

Năm 2023, các doanh nghiệp ngành nhựa phải tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để có thể phục hồi và tiếp tục phát triển. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật cho biết, thay vì tìm cách giảm chất lượng, hạ giá thành để cạnh tranh tại thị trường trong nước, Công ty lựa chọn tiên phong về mẫu mã, chất lượng. Ngoài ra, Công ty cũng chủ động tham gia các cuộc xúc tiến thương mại để tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nói riêng về cơ hội từ xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành nhựa đang được đánh giá là có rất nhiều cơ hội, nhất là từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Theo Trung tâm WTO và hội nhập – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành nhựa Việt Nam có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang EU nhờ có năng lực cạnh tranh tốt ở một số dòng sản phẩm như bao bì, đồ gia dụng và nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, so với nhiều đối thủ cạnh tranh, nhựa Việt Nam có một số ưu thế như giá cả cạnh tranh hơn do có nguồn nhân lực giá rẻ dồi dào, được hưởng thuế quan ưu đãi GSP của EU, khả năng tiếp cận với nguồn nguyên liệu tái chế giá rẻ… Không chỉ xuất khẩu, với EVFTA, ngành nhựa Việt Nam còn được hưởng lợi cả về nhập khẩu từ thị trường EU. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là thành phẩm nhựa sang EU và nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu, bán thành phẩm nhựa từ EU để phục vụ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nhựa và các sản phẩm khác.

Hơn nữa, các doanh nghiệp còn liên tục tìm kiếm, mở rộng để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Công ty Cổ phần Stavian Hóa chất – Stavian Chemical cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu với các đối tác Ấn Độ và kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 100 triệu USD năm 2023 và nâng lên 200 triệu USD các năm tiếp theo, sau đó Công ty sẽ nghiên cứu mở nhà máy hoặc hợp tác mở nhà máy sản xuất nhựa, hóa chất, hóa dầu tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, không ít khó khăn vẫn chờ đón các doanh nghiệp ngành nhựa, nhất là khi ngành vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương nhận định, việc phụ thuộc quá nhiều (đến 80%) vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá cả và số lượng sản xuất của các doanh nghiệp thường không ổn định, phụ thuộc vào biến động thị trường nhập khẩu. Minh chứng rõ nét chính là kết quả kinh doanh năm 2022 như đã nêu ở trên. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam vẫn chưa chú trọng vào xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác, thị trường cũng như chưa tập trung đầu tư vào sản xuất, nên sản phẩm chưa đa dạng phong phú.

Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý cần tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư, vận động các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ chuyển giao công nghệ, đầu tư để doanh nghiệp nhựa Việt Nam lớn mạnh hơn. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để thâm nhập và chiếm lĩnh nhiều thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới.

Nguồn: haiquanonline.com.vn