Cải thiện năng lực tự chủ ngành công nghiệp cao su-nhựa

Thị Trường
Đăng bởi Quản trị lúc 09:39, May 22, 2023

Phụ thuộc nguyên liệu từ nước ngoài cũng khiến ngành cao su-nhựa bị ảnh hưởng bởi biến động giá và chính sách từ các quốc gia cung ứng.

Phó Giáo sư. Tiến sĩ. Huỳnh Đại Phú, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (đứng) báo cáo đề án định hướng phát triển ngành cao su-nhựa thành phố, tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Thiếu nguyên liệu sản xuất trong nước đã khiến giá thành sản phẩm ngành cao su-nhựa tăng lên, gây khó cho doanh nghiệp trong cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, phụ thuộc nguyên liệu từ nước ngoài cũng khiến ngành cao su-nhựa bị ảnh hưởng bởi biến động giá và chính sách từ các quốc gia cung ứng.

Đây là thông tin được một số chuyên gia cho biết tại hội thảo Định hướng phát triển ngành cao su – nhựa Tp. Hồ Chí Minh, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 19/4.

Phó Giáo sư. Tiến sĩ. Huỳnh Đại Phú, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, nguyên vật liệu cho ngành cao su – nhựa là một trong những thành phần chính tạo ra sản phẩm nhựa và mang lại giá trị gia tăng cho các ngành khác. Mặc dù Việt Nam là nơi sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ 5 thế giới, nhưng vẫn nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu này phục vụ sản xuất do đặc thù tiêu chuẩn nguyên liệu.

Hiện tại, Việt Nam cũng chỉ sản xuất được vài loại nguyên liệu trong hàng nghìn loại nguyên liệu nhựa thông dụng. Nguyên nhân chủ yếu của việc thiếu tính tự chủ nguyên liệu tại Việt Nam là do nền công nghiệp hóa dầu và hóa chất nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu ngành.

Mặt khác, kỳ vọng lớn nhất của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là tạo ra động lực thúc đẩy hình thành nền tảng công nghiệp, hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị đầy đủ của ngành hoặc hoạt động trong khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp FDI vào Tp. Hồ Chí Minh chủ yếu khai thác lao động giá rẻ, chưa tạo ra được sự cộng hưởng đối với khối doanh nghiệp bản địa, dòng vốn vào ra thường bất ổn bởi thiếu nền tảng doanh nghiệp cung ứng phụ trợ để giữ chân họ.

Theo thống kê, cộng đồng doanh nghiệp cao su-nhựa chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam và Tp. Hồ Chí Minh do gần nguồn nguyên liệu. Toàn ngành cao su-nhựa có hơn 2.000 doanh nghiệp; trong đó, tại Tp. Hồ Chí Minh chiếm hơn 84% thuộc mọi thành phần kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp nội địa chưa có cơ hội nâng tầm thu hút FDI, vẫn duy trì phương thức sản xuất gia công và truyền thống. Tỷ lệ doanh nghiệp làm chủ được thiết kế, thương hiệu còn khá thấp nên năng suất lao động, hiệu quả kinh tế chưa bằng nhiều quốc gia trong khu vực.

Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá thực trạng ngành cao su-nhựa trên địa bàn thành phố, tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su Tp. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, ngành cao su-nhựa Tp. Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò trung tâm kinh tế khoa học kỹ thuật với nhiều ngành nghề đa dạng khác nhau, nơi tập trung cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, sự phát triển công nghiệp 4.0 tạo điều kiện tiếp cận và tương tác với khách hàng toàn cầu; tham gia chuỗi hoạt động sản xuất, quản lý, thương mại, logistics…

Ngoài giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang khoảng 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Song song đó, nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã và đang tham gia cũng là yếu tố tích cực giúp sản phẩm nhựa Việt Nam tăng khả năng khi xuất khẩu sang những thị trường khác.

Cùng với đó, sự ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19 vừa qua, sản xuất toàn cầu chuyển hướng mạnh sang ưu tiên hợp tác giữa những quốc gia thân thiện với nhau, nhằm tránh yếu tố chính trị tác động đến kinh doanh. Trong xu thế này, Việt Nam là một trong những nước đang được nhắm tới bởi nhiều tập đoàn kinh tế thế giới đối với chuỗi cung ứng từ ngành cao su-nhựa, nhất là Tp. Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi đón nhận sự dịch chuyển này.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Trần Ngọc Quyển, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng cho rằng, chính quyền địa phương cần có quy hoạch khu công nghiệp ngành cao su-nhựa và liên ngành để tạo điều kiện cho ngành phát triển với chi phí phù hợp. Bên cạnh đó, quy định chặt chẽ về những điều kiện ưu tiên được sử dụng trong khu công nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, công nghiệp cao và tạo điều kiện cho ngành phát triển bắt kịp xu hướng mới.

Định hướng sản phẩm ưu tiên phát triển, hỗ trợ nguồn lực cho ngành cao su-nhựa phải dựa trên các yếu tố sản phẩm có nhu cầu cao, tận dụng lợi thế cạnh tranh về phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Đặc biệt, cơ chế chính sách tập trung vào sản phẩm có thể tự chủ về công nghệ và nguyên liệu trong nước, nhất là công nghệ kỹ thuật cao và sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở góc độ sở ngành, ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quảng lý Công nghiệp, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, ngành cao su-nhựa là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, chiếm 11,5% giá trị sản xuất, đóng góp 11,4% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đã sản xuất được sản phẩm tiêu dùng và ứng dụng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nội địa.

Tuy vậy, với xu hướng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới đặt ra yêu cầu mới đối với ngành cao su-nhựa về tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh, hay đòi hỏi chuyển đổi phương thức cạnh tranh theo xu hướng mới. Do đó, nâng cao khả năng đáp ứng và cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ cao là mục tiêu cần hướng đến bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm cao su-nhựa truyền thống./.

Nguồn: bnews.