EPR – Cơ hội phát triển của ngành tái chế Việt Nam

Thị Trường
Đăng bởi Quản trị lúc 09:30, May 22, 2023

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kéo dài vòng đời của các sản phẩm nhựa, tăng cường sử dụng nhựa tái sinh thay vì nhựa nguyên sinh đã và đang là sứ mệnh và cơ hội phát triển cho ngành nhựa tái chế tại Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị chính sách mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR) – cơ hội của ngành tái chế Việt Nam do Chi Hội Nhựa Tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, EPR và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR. EPR hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải và được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam phát triển các cơ sở tái chế thân thiện môi trường, hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại.

Trên tinh thần đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật đã quy định cụ thể về đối tượng, lộ trình tái chế và hỗ trợ dự án xử lý chất thải. Theo đó, trước ngày 30 tháng 9 hằng năm, Bộ TN&MT công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động, sản phẩm tái chế của năm tiếp theo. Các đề nghị hỗ trợ tài chính của cơ quan, tổ chức gửi về Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia. Hội đồng EPR quốc gia tổ chức thẩm định và trình Bộ phê duyệt.

Sau đó, Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia thông báo công khai kết quả phê duyệt và ký kết hợp đồng hỗ trợ với các cơ quan, tổ chức được nhận hỗ trợ tài chính. Trên cơ sở đó, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện thanh toán số tiền hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng ký kết.

EPR là cơ hội phát triển cho những cơ sở tái chế đạt tiêu chuẩn

Cũng theo ông Hùng, để tạo thuận lợi cho hoạt động tái chế chất thải, Bộ TN&MT đang tiếp nhận đề nghị công bố của tổ chức, đơn vị tái chế và tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì đến ngày 25/4. Sau đó, Bộ sẽ công bố danh sách các tổ chức, đơn vị tái chế và tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì để nhà sản xuất, nhập khẩu biết, lựa chọn.

Dù có sự hỗ trợ của chính sách, nhưng muốn phát triển, ông Phan Tuấn Hùng cho rằng, các doanh nghiệp tái chế phải thay đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Bên cạnh đó, các nhà tái chế nhỏ lẻ, ít tiềm lực để áp dụng công nghệ tiên tiến có thể liên kết lại với nhau để lớn mạnh hơn.

Khẳng định thêm về cơ hội của ngành tái chế khi thực hiện chính sách EPR, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, chính sách EPR đã được thực hành ở nhiều quốc gia châu Âu và đem lại nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là quốc gia đầu tiên áp dụng công cụ này tại khu vực Đông Nam Á.

Cũng theo ông Vượng, năm nay là năm hoạt động thứ 5 của Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam. Hành trình đó bắt đầu từ những khó khăn, sự dồn nén trong nhiều năm của ngành tái chế nhựa.

Mỗi bước tiến trong những năm qua của Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam nói riêng và ngành tái chế nói chung không thể thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ, của các Bộ ngành và đặc biệt là sự quyết liệt đổi mới tư duy trong việc quản lý rác thải của Bộ TN&MT. Chính sự hỗ trợ đó đã tạo ra chính sách ổn định, đảm bảo về môi trường trong việc nhập khẩu, tái chế nhựa phế liệu. Và cũng chính sự đổi mới tư duy đó đang kiến tạo một sân chơi mới trong việc thu gom tái chế, chống ô nhiễm rác thải nhựa trong nước.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng EPR sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tái chế vốn manh mún, lạc hậu và còn non trẻ dù đã hình thành nhiều năm. Dù doanh nghiệp sản xuất lựa chọn hình thức thực hiện tái chế nào thì dòng tiền cũng sẽ chảy về nhóm doanh nghiệp thu gom, tái chế rác thải.

Tuy nhiên, chỉ có những tái chế tiên tiến, hiện đại, dảm bảo tiêu chuẩn về môi trường mới là đối tượng được hưởng lợi từ EPR. Hay nói khác hơn, “cơ chế EPR như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai cho ngành công nghiệp tái chế Việt Nam”, ông Hoàng Đức Vượng nhấn mạnh.

Nguồn: monre.gov.vn